Người 'gọi về' những vẻ đẹp bị lãng quên - Chu Mạnh Chấn

Ở tuổi 89, họa sĩ - nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn vẫn đang miệt mài vẽ, vì "niềm nâng niu trong tiếc nuối vẻ đẹp xưa cứ dần tan biến".

Họa sĩ nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn

Chu Mạnh Chấn là một trong những người cứu vớt và bảo vệ những vẻ đẹp đã chết hoặc bị vùi vào quên lãng của con người hiện đại bằng những bức tranh với hơi thở nóng hổi của quá khứ và kỹ thuật sơn mài truyền thống điêu luyện.

                                                       Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU

 

Những ngày tháng 3 nối dài qua tháng 4 vừa rồi, họa sĩ Chu Mạnh Chấn bất ngờ trình làng một triển lãm cá nhân mang tên Miền ký ức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cùng với triển lãm là tập sách Miền ký ức do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành song ngữ Việt - Anh.

Bên cạnh một số bài viết, tấm hình kể những câu chuyện, những kỷ niệm, tập sách còn giới thiệu hơn 30 bức tranh sơn mài tiêu biểu cùng hơn 40 phác thảo bằng bột màu và chì mà thời tuổi trẻ ông đã cần mẫn đi và ghi lại trên khắp các nẻo đường đất nước.

Thức dậy... mớ đá, mớ đồi

Miền ký ức rủ rỉ khơi gợi, nhắc nhớ những câu chuyện về vẻ đẹp Việt qua quê hương xứ Đoài hay những vùng đất họa sĩ từng đặt chân đến trong khoảng nửa đầu thế kỷ 20. Những vẻ đẹp ấy có khi đã bị khuất lấp, bị lãng quên, nay được họa sĩ Chu Mạnh Chấn "gọi về" trong 28 bức tranh sơn mài có xen đôi bức bột màu. Đó là vẻ đẹp hữu tình mà thanh bình, yên ả của những bản làng, thôn xóm, phố cổ...

Đó là vẻ đẹp cổ kính, phong rêu pha chút trầm mặc của những Phong cảnh chùa Hương xưa, Chùa Cả, Chùa Một Mái, Chùa Tây Phương, Cổng làng Thổ Hà, Đền Hùng, Đình làng Hạ... Đó là vẻ đẹp ấm êm không kém phần rộn ràng mà vẫn nhịp nhàng, chậm rãi của Lễ hội chùa Thầy xưa, Ca trù, Đà Oai Lâm Đồng, Chợ phiên Bắc Hà...

Cũng từ Miền ký ức, người xem hôm nay còn được gặp gỡ dáng hình những người "muôn năm cũ": nam nhân thì áo the khăn xếp, nữ nhân thì áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao cùng những sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của làng quê...

Tất cả ẩn trong đó là sự tĩnh mà động, giản dị mà trầm tư, khuôn mẫu về kỹ thuật mà không ít phá cách trong cảm xúc... Từ Miền ký ức, không ít người đã trầm trồ về những vẻ đẹp một thời của quê hương, đất nước.

Nhưng có lẽ, ít ai biết được có những tác phẩm sơn mài, người họa sĩ đã phải cặm cụi vẽ, mài, khảm trong suốt mấy chục năm. Điển hình như bức Lễ hội chùa Thầy xưa (khổ 4m x 2,5m) được ông vẽ từ năm 1964 nhưng phải đến 40 năm sau thì mới hoàn chỉnh.

"Tôi muốn thức dậy những mớ đá, mớ đồi; những mái chùa, mái đình cong vút; những cây gạo, cổng làng; những lễ hội thuần phác...

Và, trước những dâu bể của thời cuộc, tôi thấy mình có trách nhiệm phải đem niềm nâng niu trong tiếc nuối vẻ đẹp xưa cứ dần tan biến bởi sự vô tình lẫn hữu ý của con người gửi vào tranh, nhân đó mà gửi lại cho thế hệ mai sau" - ông Chấn chia sẻ.

Ca trù (1983), tranh sơn mài Chu Mạnh Chấn

Ngạc nhiên trước một đam mê

Tôi tìm đến khu tập thể ba tầng ở Hà Đông đã thấy họa sĩ Chu Mạnh Chấn thủng thỉnh bên chén trà, trang sách và không quên bật vô tuyến để nghe tin tức. Họa sĩ tuổi 89 bảo cộng thêm cây cọ nữa là đủ bộ công việc hằng ngày, kể từ khi ông sang tuổi 85.

Chưa kịp rót nước mời khách, người nghệ nhân được đào tạo bài bản từ những bậc thầy về hội họa và sơn ta trong Trường nghề Hà Nội của chính quyền Bảo Đại đã sang sảng bước vào những câu chuyện năm xưa.

Ấy là chuyện về một tuổi thơ đong đầy những mất mát của cậu bé Chấn, người con Chàng Sơn (Thạch Thất, Sơn Tây): mồ côi mẹ từ nhỏ rồi chừng 10 tuổi lại mồ côi cha - một họa sĩ sớm tham gia kháng chiến, hi sinh trong một trận càn của giặc Pháp.

Không còn nơi nương tựa, Chấn ra Hà Nội vừa đi học lên cấp III vừa học nghề ở hiệu may của một người anh họ. Mặc hoàn cảnh, chàng thanh niên vẫn không ngừng nuôi ước mơ: được cầm cọ để nối nghiệp cha.

Thế mà thật may mắn, trong một dịp đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cậu tình cờ gặp thầy Trần Quang Trân đang dạy ở Trường nghề Hà Nội đưa học trò đi vẽ ký họa. "Thấy tôi cứ quẩn quanh, thầy Trân đã hỏi chuyện và hẹn tôi đến trường làm bài kiểm tra.

Vì thông thạo tiếng Pháp và đã từng được cha chỉ bảo kiến thức cơ bản trong hội họa nên tôi dễ dàng vượt qua hai bài kiểm tra. Nhưng thầy Trân còn ra thêm bài vẽ đường diềm trang trí nữa.

Tôi đã lấy họa tiết hoa cúc mới thấy trên những tấm bia ở Văn Miếu để trang trí cho đường diềm và đạt điểm độc đáo. Tôi đã chính thức trở thành học viên của trường từ cách "tuyển sinh" kỳ lạ như thế của thầy Trân" - ông Chấn kể và nở nụ cười sung sướng.

Từ cái duyên bất ngờ ấy, ước mơ tuổi thơ của Chu Mạnh Chấn đã thành hiện thực khi có đến 4 năm say mê học về sơn ta với thầy Đinh Quang Thành và học họa với thầy Phạm Hậu, thầy Trần Quang Trân. Trong thời gian này, ông đến ở cùng một người thợ nề và để có chỗ ăn chỗ ở, sau giờ học lại đi kẻ biển, quét vôi, sơn cửa…

Tốt nghiệp, ông sớm trở thành người thợ lành nghề khi là phó chủ nhiệm Hợp tác xã Thống Nhất phụ trách vẽ mẫu sản xuất đồ mỹ nghệ, sau đó là người thầy giỏi, tận tâm với cương vị là hạt nhân đầu tiên xây dựng Trường Mỹ nghệ Hà Tây (nay là Trường trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội).

Là giảng viên rồi trưởng khoa mỹ nghệ của ngôi trường này trong suốt mấy mươi năm, thầy Chấn đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nghệ nhân các làng nghề thủ công mỹ nghệ và có nhiều học trò thành tài như họa sĩ Nguyễn Đình Bảng, Trần Quốc Sự, Nguyễn Thị Thu…

Chậm rãi lần giở lại tập ký họa được ghi chép trên giấy bồi chưa phai màu chì, Chu Mạnh Chấn tinh tường đọc và nhớ rành rọt về địa danh cùng ngày tháng của mỗi bức. Rồi ông sung sướng mà rằng: "Cô thấy tư liệu của tôi có nhiều không?

Ở đây và cả ở trong đầu này nữa. Còn có thể thì vẫn phải tiếp tục vẽ, tiếp tục hoàn thiện thôi, chứ kẻo không kịp ấy chứ… Phiên bản thứ hai của bức phong cảnh chùa Hương tôi ghi lại theo ký ức từ thuở mới khai hội đang đợi tôi hoàn thiện đấy" .

Theo nghệ sĩ múa rối nước Chu Lượng, con trai họa sĩ Chu Mạnh Chấn, trở về từ triển lãm, bố anh như khỏe thêm mươi tuổi, ông hăm hở bắt tay ngay vào việc phục dựng bức tranh Lễ hội Kinh Bắc bằng chất liệu sơn mài.

Người họa sĩ này đặt mục tiêu sẽ vẽ xong bức tranh vào cuối năm nay, sau đó các học trò sẽ hỗ trợ ông thực hiện các khâu kỹ thuật để có thể có được bức tranh sơn mài rộng chừng 10m2 giới thiệu tới công chúng vào cuối năm sau.

Ông Vũ Huy Thiều, học trò của họa sĩ Chu Mạnh Chấn: "Nghệ nhân Chu Mạnh Chấn là một trong số những nghệ nhân ít ỏi đa tài có thể làm sáng tác, dạy nghề và hoạt động trong rất nhiều nghề khác: từ sơn mài, điêu khắc, thêu rồi làm tranh, chạm bạc...

Ông là một tài năng rất hiếm, ít ai biết được, ông đã từng vẽ sơn mài trên giấy để phục vụ cho một triển lãm của chính phủ ở Paris.

Ông sống khiêm nhường. Khi nghỉ hưu ông vẽ nhiều tranh sơn mài, thậm chí dù trên 80 tuổi ông còn vẽ bức khổ lớn - một điều ngay cả họa sĩ trẻ cũng khó làm. Năm ngoái ông được công nhận là nghệ nhân nhân dân - một sự công nhận muộn màng nhưng vẫn kịp thời".

 

Nguồn: https://tuoitre.vn/chu-manh-chan-nguoi-goi-ve-nhung-ve-dep-bi-lang-quen-20210505093204029.htm


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng